Nuôi dê trong vườn cây ăn trái cho thu nhập bất ngờ
Nuôi dê tận dụng “cây nhà lá vườn” sẵn có giúp giảm chi phí, cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó tận dụng phân dê để làm phân bón cho vườn cây.
Những năm gần đây nghề nuôi dê phát triển khá mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, bởi vì đây là loại vật dễ nuôi có nguồn tiêu thụ mạnh ở các quán ăn nhà hàng và luôn bán có giá cao hơn so với thịt khác. Chính vì vậy nghề nuôi dê vừa nhàn, chi phí đầu tư ban đầu không cao mà giúp cho nhiều người dân ở ĐBSCL có nguồn thu nhập luôn ổn định.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ là điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, với mô hình nuôi dê sinh sản và dê thịt. Nhờ cần cù lao động, chịu khó học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết: Tận dụng khoảng 250m2 đất trống trồng cây ăn trái sau nhà, ông Tuấn đầu tư xây dựng chuồng nuôi dê, với số tiền đầu tư trên 60 triệu đồng. Vào năm 2018, ông chỉ có 7 con dê bố mẹ, trong đó có 4 con được ngành Nông nghiệp huyện Phong Điền và Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ hỗ trợ tiền để mua con giống. Qua thời gian cho dê sinh sản, đến nay đàn dê đã tăng lên 13 con dê bố mẹ đang sinh sản và gần 20 con dê cái hậu bị. Bình quân mỗi năm gia đình ông Tuấn xuất bán được hàng chục con dê thịt và dê giống, thu về hơn 100 triệu đồng.
Hiện tại đàn dê của gia đình ông Tuấn có gần 50 con lớn nhỏ, trong đó chủ yếu là dê sinh sản (dê cái) nên đàn dê của ông sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Nói về mô hình thiết kế chuồng nuôi dê của gia đình ông Tuấn, có tổng cộng 25 chuồng dê, mỗi chuồng được ông thiết kế với diện tích 1,5mx2m, chuồng được làm chủ yếu bằng gỗ, xây dựng theo kiểu nhà sàn, cao lên khỏi mặt đất khoảng 0,7m, thoáng mát và mái chuồng được lợp bằng tôn. Dự kiến, tới đây ông Tuấn mở rộng quy mô chuồng trại lên thêm 12 chuồng nữa.
Theo ông Tuấn, dê là vật nuôi rất dễ, đặc biệt chúng ít bệnh và lớn nhanh nhờ ăn các loại hoa cỏ, cây, trái tận dụng xung quanh vườn nhà nên không tốn chi phí đầu tư ở khoản này. Nhưng nói về thức ăn cho dê ăn hàng ngày, ông Tuấn mất nhiều công hơn các loại vật nuôi khác là đi cắt cỏ, hái lá cây như: lá mít, lá xoài, trái mít non, rau muống, các loại cỏ… cho chúng ăn.
Nuôi dê mỗi ngày cho ăn 3 lần, sáng, trưa và chiều sẽ giúp chúng phát triển nhanh. Sau gần 12 tháng chăm sóc, bình quân 1 con dê cái đẻ được 1-2 dê con, ông giữ lại nuôi để nâng số lượng đàn dê. Theo đó, nếu dê sinh ra là dê cái, ông sẽ giữ lại nuôi sinh sản, còn dê đực thì bán thịt. Với cách làm trên, đàn dê của ông Tuấn tăng nhanh số lượng dê sinh sản.
Còn hộ ông Phạm Văn Cơ, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền có 2ha vườn trồng sầu riêng và măng cụt kết hợp làm chuồng nuôi 10 con dê thịt và dê sinh sản cho biết: Tranh thủ thời gian nhàn khi làm vườn, gia đình ông đã tham gia chăn nuôi dê và có thêm được nguồn thu nhập khá tốt từ loại vật nuôi này, đồng thời sử dụng nguồn phân dê để bón cho vườn cây ăn trái, giúp tiết kiệm chi phí tiền phân bón.
Theo ông Phạm Văn Cơ, để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi và thuận lợi trong kết nối với các đơn vị tiêu thụ dê, thời gian qua nông dân nuôi dê tại các ấp Nhơn Thọ 1, Nhơn Thọ 1A, Nhơn Thọ 2 và Nhơn Bình thuộc xã Nhơn Ái cũng đã liên kết thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi dê. Câu lạc bộ đã thu hút hơn 20 hộ dân nuôi dê, với tổng đàn dê hiện đạt hơn 190 con. Đa phần các giống dê được người dân nuôi, như: dê Boer, dê Hà Lan, dê Saanen… Đây là những giống dê ngoại nhập, siêu thịt, người tiêu dùng ưu chuộng, bán được giá cao.
Theo nhiều hộ dân chăn nuôi dê, dê con từ lúc dứt sữa (trọng lượng khoảng 13-15kg/con) nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng 25-30kg và được xuất bán dê thịt. Gần đây, dê thịt loại 20-25kg/con có giá lên tới 140.000-150.000 đồng/kg, còn dê thịt loại 30-38 kg/con có giá 115.000- 120.000 đồng/kg, dê từ 40 kg/con có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Còn để nuôi sinh sản phải mất ít nhất 11 tháng dê mới đẻ lứa đầu, sau đó dê có thể sinh sản bình quân 3 lứa/2 năm, mỗi lứa bình quân 2 con dê con.
Ông Trần Thái Bảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền cho biết: hiện xã đang tiếp tục quan tâm phối hợp cùng các cấp hội nông dân tại huyện, và ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ để tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân lựa chọn mô hình chăn nuôi phù hợp và hỗ trợ về vốn, con giống, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ðến nay, tại xã cũng đã thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê Nhơn Ái kết hợp với vườn cây ăn trái, với sự tham gia của hơn 60 hộ dân tại 5/7 ấp của xã với hơn 500 con dê các loại, qua đó tạo thuận lợi cho bà con tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi gắn với phát triển kinh tế vườn.